Gần đây, người trồng tiêu ở huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận rất lo lắng khi cây tiêu chết hàng loạt nhưng chưa tìm được cách để cứu chữa.
Nhiều vườn tiêu chết khô xơ xác, trụi gốc vì bệnh hoành hành. Gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn, ở khu rẫy Ba Lon, xã Đức Hạnh là hộ có thâm niên trong việc trồng cây tiêu. Khoảng 1 tháng trở lại đây gia đình ông đứng ngồi không yên bởi hơn 400 trụ tiêu 5-6 năm tuổi bắt đầu cho thu hoạch đang bị bệnh chết nhanh, chết chậm.
Ông Tuấn cho biết, gia đình ông có hơn 3ha với hơn 3.000 trụ tiêu. Vài năm trước, vì tiêu được giá nên gia đình đầu tư mở rộng. Sau thời gian dài chăm sóc, đến thời kỳ thu hoạch, tiêu lại bị bệnh chết dần chết mòn, đến nay vẫn chưa kiểm soát được.Sau thời gian chữa trị nhưng không hết bệnh, để tránh lây lan cho cả vườn, gia đình ông quyết định nhổ bỏ những cây bệnh nặng. Với giá tiêu như hiện nay, khoảng 150.000 đồng/kg, gia đình ông Tuấn thất thu từ 500.000 – 600.000 đồng/trụ. Kể cả công chăm sóc, chi phí đầu tư và không có thu hoạch, năm nay mỗi trụ tiêu gia đình ông mất khoảng 2 triệu đồng.
Trên địa bàn xã Đức Hạnh, nhiều hộ trồng tiêu cũng lâm vào tình cảnh bất lực khi nhìn tiêu chết úa, trơ gốc mà không thể cứu chữa. Anh Nguyễn Mạnh Dũng cho biết, không chỉ cây tiêu tơ (3-5 năm tuổi) mà cả cây tiêu lâu năm (10 năm tuổi) cũng bị nhiễm bệnh. Chỉ sau hơn 2 tháng, gia đình anh đã phải nhổ bỏ hơn 300 trụ tiêu. Nhìn tiêu bệnh bỏ thì xót nhưng mua phân, thuốc chữa trị cũng không cứu được, lại mất tiền.
Nhiều nông dân trồng tiêu ở đây cho biết, trước đó cây tiêu phát triển bình thường, đang trong giai đoạn làm chuỗi (làm hạt tiêu) thì nhiễm bệnh. Khi mắc bệnh này, cây tiêu đang xanh tốt bỗng “ủ rũ” như thiếu nước, lá héo dần sau đó mới trở nên úa vàng, chết khô cùng dây tiêu, rễ tiêu bị thối đen. Các dấu hiệu héo rũ xuất hiện nhanh trong vòng 7-10 ngày. Cây tiêu chết hẳn vài tuần sau đó. Ban đầu là một vài cây sau đó lan sang các cây bên cạnh và tạo thành vùng bệnh.
Ông Nguyễn Trọng Linh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Hạnh cho biết, cây tiêu là cây trồng chủ lực của người dân địa phương. Phần lớn cây tiêu trên địa bàn đều mắc bệnh chết nhanh do chủng nấm Phytophthora gây hại và bệnh chết chậm do tuyến trùng Meloidogyne incognita và nấm Fusarium solani gây ra. Trong một vài năm gần đây, vì giá tiêu cao, người dân trồng ồ ạt mở rộng diện tích. Do mật độ trồng dày, thời tiết bất thường và kỹ thuật canh tác của người dân còn hạn chế, sử dụng phân bón hóa học, chất kích thích nhiều khiến đất chai, rễ cây không phát triển được bị thối, trở thành cửa ngõ cho nấm bệnh xâm nhập, gây hại.
Theo thống kê, huyện Đức Linh hiện có 1.900 ha cây tiêu (vượt quy hoạch hơn 600ha). Từ đầu vụ đến nay, đã có hơn 150 ha cây tiêu bị chết do dịch bệnh, tập trung nhiều nhất là ở các xã Đức Hạnh, Trà Tân, Tân Hà…
Ông Nguyễn Minh Nghị, Phó phòng nông nghiệp huyện Đức Linh cho hay, trước tình hình dịch hại tương đối nhiều, Phòng nông nghiệp huyện đã phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ và Trường Đại học Nông Lâm tổ chức khảo nghiệm, đánh giá tình hình dịch bệnh. Trước mắt, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân sản xuất theo hướng bền vững, hạn chế sử dụng phân bón hóa học, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, tăng vi sinh cho đất./.